Nông dân Long Phú thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội nông dân huyện Long Phú quan tâm và chỉ đạo thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Hội đã không ngừng đổi mới nội dung hoạt động và tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, từ thế độc canh cây, con giống truyền thống chuyển sang đa dạng hóa sản xuất. Từ đó đã thu hút hàng ngàn hội viên tham gia và đã mang lại những hiệu quả tích cực trong chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đã giúp nông dân Long Phú vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Điển hình là mô hình chăn nuôi dê; nuôi bò sinh sản, trồng sen – cá, nuôi ba ba, bưởi da xanh, mô hình cánh đồng lớn, mô hình trồng màu … Hiện nay, toàn huyện có trên 1.000 con dê, trên 6.000 đàn bò sinh sản; trên 500.000 con gia cầm; 04 ao nuôi ba ba, với gần 3.000 con đang cho thu hoạch, hiện các mô hình này đang có hàng trăm nông dân tham gia và đang phát huy hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao.
Chú thích ảnh: Nông dân thu hoạch mô hình sen – cá.
Qua phát động năm 2019, số hộ đăng ký tham gia phong trào “ Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của huyện là 8.195/13.436 hộ đạt 61%. Theo đó, để hỗ trợ các hộ đăng ký cuối năm xét chọn, bình bầu đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Hội nông dân huyện đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức mở được 58 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho gần 2.000 hội viên; mở 10 lớp dạy nghề cho 258 con em hội viên và hội viên nông dân trên địa bàn học tập.
Bên cạnh đó, thông qua nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và phát triển quy mô các mô hình kinh tế như : Nuôi dê, trồng sen – cá, bồn bồn – cá; ba ba; bò thương phẩm; nuôi ếch; tôm càng xanh, cá sặc rằn; trồng màu; gà thả vườn … Theo đánh giá của hội, thì các mô hình này hiện nay phát triển tương đối tốt.
Bà Dương Thị Hồng Hồng Diễm, Chủ tịch Hội nông dân huyện Long Phú cho biết : “ Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ hội viên và nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình; các mô hình sản xuất mới hiệu quả và bền vững. Để phong trào ngày càng thu hút đông đảo nông dân, thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào. Kịp thời động viên, biểu dương, nhân rộng các mô hình sản xuất – kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Với 8.195 hộ được công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh, trong đó có 16 hộ đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 210 hộ đạt danh hiệu giỏi cấp tỉnh; 1.086 hộ giỏi cấp huyện và 6.883 hộ giỏi cấp cơ sở. Trong chỉ đạo và tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội nông dân huyện Long Phú xác định là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển sản xuất – kinh doanh theo hướng tích cực, năng động, sáng tạo trong sản xuất, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cùng với tinh thần tương trợ giúp nhau trong sản xuất và đời sống xã hội ngày càng nhiều … Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được phát huy và nhân rộng như : Mô hình “ Chuyển đổi giống lúa mới” ở xã Tân Thạnh, Long Đức và Trường Khánh, mô hình trồng ớt sừng vàng, trồng rau sạch, bưởi da xanh, nuôi ếch tại thị trấn Đại Ngãi; mô hình nuôi bò, nuôi gà, nuôi dê … góp phần chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, các ngành, nghề, dịch vụ mới ở nông thôn ngày càng phát triển.
Có thể khẳng định, phong trào “ Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân, giúp họ đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, vận dụng những tiến bộ - khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, phong trào còn là “bước đệm” cho các chương trình khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện: Sóc Ca.